NHNN cảnh báo tình trạng nuôi người đứng tên tài khoản, thuê khuôn mặt xác thực sinh trắc học chuyển tiền lừa đảo

NHNN cũng cho biết đang lên kế hoạch điều chỉnh Thông tư 17 trong năm nay nhằm siết chặt hơn nữa quy định đối với tài khoản tổ chức.

Ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong khi tiến trình chuyển đổi số đang mang lại nhiều tiện ích cho người dân, ngành ngân hàng vẫn đặt ưu tiên cao cho các vấn đề liên quan đến an toàn, an ninh và bảo mật giao dịch.

Động thái tăng cường bảo vệ người dùng của NHNN diễn ra trong bối cảnh thanh toán số tiếp tục phát triển mạnh mẽ. So với cùng kỳ năm 2023, năm 2024 ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng: thanh toán không tiền mặt tăng 56,68% về số lượng và 32,79% về giá trị; giao dịch qua Internet tăng 49,73% về số lượng và 33,12% về giá trị; qua thiết bị di động tăng 54,08% về số lượng và 34,03% về giá trị; riêng giao dịch qua mã QR tăng tới 104,65% về số lượng và 97,14% về giá trị. Tính đến tháng 3/2025, toàn thị trường đã ghi nhận hơn 5,2 tỷ giao dịch không tiền mặt với tổng giá trị vượt 80 triệu tỷ đồng, tăng lần lượt 44,43% và 24,34% so với cùng kỳ năm trước.

Một trong những bước đi đáng chú ý của NHNN thời gian vừa qua là việc Thông tư 17 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Theo đó, việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán để thực hiện các giao dịch trực tuyến bắt buộc phải thu thập thông tin sinh trắc học của khách hàng. “Nói một cách đơn giản, nếu khách hàng không có nhu cầu giao dịch online thì có thể không cần cung cấp sinh trắc học. Khi đó, mọi giao dịch sẽ phải thực hiện tại quầy, với sự đối chiếu trực tiếp giữa nhân viên giao dịch và giấy tờ tùy thân như căn cước công dân”, ông Tuấn giải thích.

Ngoài ra, NHNN cũng đang lên kế hoạch điều chỉnh Thông tư 17 trong năm nay nhằm siết chặt hơn nữa quy định đối với tài khoản tổ chức. Theo đó, các doanh nghiệp buộc phải đến trực tiếp ngân hàng để mở tài khoản, loại bỏ hoàn toàn hình thức mở qua thư hay ủy quyền.

Đợt sửa đổi sắp tới cũng sẽ yêu cầu thu thập sinh trắc học cho tất cả cá nhân và tổ chức khi mở tài khoản, nhằm đảm bảo giao dịch đúng chủ thể. Việc xác thực thông tin không còn dựa vào cảm quan mà sẽ bắt buộc áp dụng công nghệ nhận diện. “Hiện nay, tại nhiều ngân hàng, nhân viên vẫn đối chiếu CCCD bằng mắt thường. Tuy nhiên, theo quy định mới, quá trình xác thực phải có sự hỗ trợ của công nghệ để đảm bảo chính xác, tránh phụ thuộc vào cảm nhận cá nhân”, ông Tuấn cho biết.

Bên cạnh đó, NHNN sẽ đẩy mạnh việc khuyến khích các tổ chức tín dụng và trung gian thanh toán tích hợp VNeID để đối chiếu và xác thực dữ liệu, từ đó cải thiện trải nghiệm người dùng, đặc biệt trong việc quét NFC.

Đối với các tổ chức mới thành lập, NHNN dự kiến sẽ bổ sung quy định yêu cầu các tài khoản này – trong vòng 6 đến 9 tháng đầu hoạt động – khi giao dịch online phải xác thực thông tin giống như cá nhân. Các quy định này chủ yếu nhắm đến hộ kinh doanh cá thể, không gây ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp lớn.

Lý giải động thái siết chặt quy định với tài khoản doanh nghiệp, ông Tuấn nhấn mạnh: “Thời gian qua, một số tổ chức tội phạm đã lợi dụng tài khoản doanh nghiệp để thực hiện hành vi lừa đảo, gây thiệt hại cho người dân.”

Một thay đổi quan trọng khác sắp được áp dụng là việc cấm sử dụng Alias – tức tên giao dịch do khách hàng tự đặt (còn gọi là bí danh) cho tài khoản. Theo NHNN, đề xuất này nhận được sự ủng hộ từ Bộ Công an, bởi thực tế cho thấy bí danh như “Công ty quốc gia” hay “Global…” rất dễ gây hiểu lầm, khiến người chuyển tiền nhầm lẫn về đối tượng nhận. “Chúng tôi đã tiếp nhận nhiều khiếu nại từ người dân vì chuyển nhầm qua bí danh mà không thể thu hồi được tiền. Do đó, trong thông tư mới, chúng tôi sẽ không cho phép sử dụng bí danh nữa, bắt buộc phải ghi rõ số tài khoản thực tế khi chuyển tiền”, ông Tuấn khẳng định.

Ngoài ra, NHNN đang phối hợp cùng Bộ Công an để triển khai danh sách tài khoản có dấu hiệu rủi ro, cung cấp cho các ngân hàng nhằm cảnh báo sớm nguy cơ lừa đảo. BIDV là ngân hàng đầu tiên thí điểm từ ngày 1/4/2025. Theo báo cáo, chỉ sau gần 2 tháng triển khai, đã có hơn 100 tỷ đồng được giữ lại kịp thời, tránh rơi vào tay các đối tượng lừa đảo.

Sau BIDV, lần lượt các ngân hàng như Vietcombank (30/6), VietinBank (4/7), MB (14/7) và Agribank (24/7) sẽ triển khai hệ thống cảnh báo này. Khi giai đoạn thí điểm kết thúc, NHNN sẽ áp dụng đồng loạt trong toàn ngành ngân hàng, dự kiến ngay trong năm 2025. 

Phía NHNN cho biết, mặc dù đẩy mạnh thu thập thông tin sinh trắc học đối chiếu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, vẫn còn lượng lớn tài khoản chưa được thu thập. Cụ thể, trong số hơn 200 triệu tài khoản ngân hàng, mới chỉ có hơn 110 triệu tài khoản đã đối chiếu. Ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, số còn lại có thể là những tài khoản "chết", ngủ đông, hoặc tài khoản có mục đích lừa đảo, gian lận. Theo quy định hiện hành, với các tài khoản "ngủ đông" như hiện nay, ngành ngân hàng chưa thể chấm dứt hoạt động. Tuy vậy, thời gian tới, NHNN sẽ có hướng dẫn để đóng các tài khoản dạng này.

Vụ trưởng cũng cho biết gần đây đã xuất hiện cả người cho thuê khuôn mặt để thực hiện các hành vi lừa đảo. Cụ thể, các nhóm tội phạm đã nuôi một số người đứng tên tài khoản, khi có giao dịch chuyển tiền cần đến sinh trắc học, người đó sẵn sàng đưa mặt vào để chuyển tiền. Thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Công an để đưa ra mức phạt mới. Nếu một người bị phát hiện cho thuê khuôn mặt để thực hiện hình thức lừa đảo như vậy sẽ bị truy tố. Đồng thời tính đến việc nâng mức xử phạt với hành vi này lên rất cao, tối đa lên đến 200 triệu với hành vi như vậy.