Theo Sohu, sự việc bắt đầu vào một buổi sáng năm 2020, khi một thông báo được dán lên bảng tin khu dân cư Future Modern City ở Hồ Nam, Trung Quốc. Do vội đi làm, phần lớn cư dân không chú ý đến nội dung. Mãi đến tối, họ mới tá hỏa phát hiện con số “10,7 tỷ NDT” (hơn 38.897 tỷ đồng) có trong thông báo.
Nội dung thông báo cho biết, trong một lần kiểm tra định kỳ, lực lượng cứu hỏa phát hiện hệ thống báo cháy tại khu dân cư không đạt tiêu chuẩn và cần được sửa chữa gấp. Sau khi nhận được yêu cầu từ cơ quan chức năng địa phương, công ty quản lý BĐS đã nhanh chóng lên kế hoạch khắc phục. Tuy nhiên, do không đủ năng lực tự thực hiện, họ đã quyết định thuê một đơn vị bên ngoài để tiến hành sửa chữa.

Ảnh: Sohu
Để lựa chọn nhà thầu phù hợp, đơn vị này đã tổ chức một cuộc đấu thầu và công khai báo giá của các đơn vị tham gia trên bảng thông báo. Mức giá đề xuất dao động từ 5,7 tỷ đến 10,7 tỷ NDT, mức cao nhất đã được chọn. Khu dân cư Future Modern City có quy mô chỉ hơn 100 hộ dân, việc đưa ra mức phí10,7 tỷ NDTđồng nghĩa với việc mỗi gia đình ở đây phải đóng là hơn 100 triệu NDT (hơn 363 tỷ đồng).
Ngay lập tức, thông tin này vấp phải phản ứng dữ dội từ cộng đồng cư dân tại đây. Đối với các gia đình bình thường, khoản phí 100 triệu NDT là con số không tưởng. Ngay cả những hộ khá giả cũng khó có thể chi trả. Đặc biệt, nhiều người dân ở đây còn đang trả góp thế chấp để mua nhà. Điều này cho thấy mức phí đề xuất mà công ty quản lý BĐS đặt ra trở nên phi thực tế.
Hàng loạt câu hỏi bỏ ngỏ
Để phản đối quyết định trên, cư dân đã đồng loạt yêu cầu công ty quản lý cung cấp bảng tính chi tiết và căn cứ để đưa ra mức phí bảo trì là 10,7 tỷ NDT. Tuy nhiên, phía đơn vị này không đưa ra lời giải thích rõ ràng, chỉ khẳng định mức phí trên đã được tính toán “khoa học” và “không có gian dối”.
Đáng nói, đại diện công ty còn cho biết mức phí 10,7 tỷ NDT là “đã giảm” sau thương lượng. Trong khi đó, yêu cầu minh bạch thông tin lại tiếp tục bị đơn vị này phớt lờ. Một số cư dân ở đây còn cho biết trước đó, khu dân cư này từng thực hiện 35 lần sửa chữa, với tổng chi phí chỉ hơn 1,28 triệu NDT. Tuy nhiên, chỉ có 2 khoản được công khai, 33 khoản còn lại hoàn toàn không được minh bạch. Điều này càng khiến cư dân ở đây nảy sinh nghi ngờ và phẫn nộ.

Ảnh minh họa: Sohu
Không còn cách nào khác, cư dân quyết định chia sẻ vụ việc này lên các nền tảng MXH. Câu chuyện về khu dân cư thu phí sửa chữa tiền tỷ nhanh chóng lan truyền, thu hút sự quan tâm của mọi người.
Trước áp lực dư luận, công ty quản lý BĐS sau cùng thừa nhận “sai sót” là do lỗi đánh máy nên đã viết sai đơn vị tiền tệ trên thông báo. Theo đó, con số thực tế là 10.000 NDT (1万) thay vì 100 triệu NDT (1亿) như thông báo ban đầu.
Tuy nhiên, cư dân không chấp nhận lời giải thích này bởi sự chậm trễ của đơn vị này trong việc sửa lỗi cũng như thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra thông tin trước khi công bố. Điều khiến dư luận bất bình hơn là sau khi sự việc xảy ra, đơn vị này vẫn một mực khẳng định hành động của họ “không có gì sai”.
Đại diện sở Xây dựng địa phương sau đó lên tiếng xác nhận hệ thống phòng cháy chữa cháy của khu dân cư không đảm bảo an toàn, và họ đã nhiều lần yêu cầu công ty quản lý khắc phục. Tuy nhiên, thay vì tham khảo ý kiến cư dân và công bố kế hoạch theo đúng quy định, công ty quản lý BĐS đã âm thầm tổ chức đấu thầu và chỉ thông báo cho cư dân khi mọi việc gần như đã rồi.
Dù kết quả vụ việc không được công bố song cơ quan chức năng Trung Quốc cũng khuyến cáo rằng trong bối cảnh nhiều đơn vị quản lý hoạt động thiếu minh bạch, cư dân cần chủ động nắm bắt thông tin, tham gia giám sát chi tiêu và yêu cầu công khai các khoản thu – chi liên quan đến quỹ bảo trì.
Việc thành lập ban quản trị cư dân độc lập, đại diện cho quyền lợi tập thể, là bước cần thiết để tạo thế đối trọng và ngăn ngừa tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” từ phía các đơn vị thiếu trung thực.