Đến trễ cuộc họp quan trọng khiến cả nhóm bị ảnh hưởng

Nhiều người luôn lo sợ làm người khác thất vọng, sợ bị đánh giá là ích kỷ, không còn là người dễ chịu trong mắt mọi người. Họ dần đánh mất bản thân vì những kỳ vọng không phải của riêng mình.

Tuần này, “Câu chuyện cuộc sống” mang đến ba lát cắt sâu sắc về nội tâm con người hiện đại: Học cách nhận lỗi để trưởng thành, nỗi mệt mỏi khi sống để làm vừa lòng người khác và những hệ lụy khi con người chạy theo lối sống thực dụng. Những câu chuyện bình dị nhưng đầy ý nghĩa, nhắc nhở mỗi chúng ta nhìn lại chính mình.

Học cách nhận lỗi 

Nhiều người thường nghĩ rằng, chỉ khi sai mới cần xin lỗi. Nhưng trên thực tế, việc dũng cảm nhận lỗi không đơn thuần là thừa nhận sai lầm, mà còn là minh chứng cho sự trưởng thành và bản lĩnh của mỗi người.

Chị Đặng Hoài Ngọc Cẩm (TP.HCM) kể lại trải nghiệm từng đi trễ cuộc họp quan trọng khiến cả nhóm bị ảnh hưởng. Dù đã xin lỗi, chị vẫn thấy mình cần điều chỉnh hành vi và không bao giờ để việc đó lặp lại.

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui (Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM), người biết nhận lỗi là người đủ dũng cảm đối mặt với sai sót, là người trung thực và có trách nhiệm với cảm xúc cũng như hành vi của mình.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân (chuyên gia tâm lý) cảnh báo, nếu xem lời xin lỗi như một chiếc “vé miễn tội” mà không thay đổi hành vi, người ta sẽ dần mất uy tín và hình thành thói quen thiếu trách nhiệm.

Học cách xin lỗi chân thành là nền tảng xây dựng nhân cách và các mối quan hệ lành mạnh. Đó không phải sự yếu đuối, mà là biểu hiện của sự mạnh mẽ, khi ta dám nhận sai và sẵn sàng thay đổi.

Lo lắng, mệt mỏi vì muốn được lòng người khác

Không ít người luôn cố gắng trở nên dễ mến trong mắt người khác – từ việc không dám từ chối lời nhờ vả, đến việc chịu đựng quá tải chỉ vì sợ bị đánh giá là ích kỷ. Nhưng càng cố làm hài lòng tất cả, họ lại càng kiệt sức và đánh mất chính mình.

Chị M.A (TP.HCM) chia sẻ, chị từng không dám từ chối ai dù bản thân đang rất mệt. Về lâu dài, điều đó khiến chị rơi vào trạng thái kiệt quệ và chán nản.

Chị N.T cũng từng nghĩ rằng được lòng người khác sẽ có nhiều mối quan hệ tốt đẹp, cho đến khi nhận ra bản thân không còn là chính mình.

Theo chuyên gia tâm lý Hoàng Thị Ngọc Duyên, việc liên tục sống vì ánh nhìn của người khác bắt nguồn từ những tổn thương cũ và khiến ta đánh mất kết nối nội tâm.

Còn thạc sĩ Võ Thị Mỹ Duyên khuyến khích, mỗi người hãy học cách nói "không" khi cần thiết, tôn trọng cảm xúc cá nhân và xây dựng những mối quan hệ chất lượng thay vì cố gắng được lòng tất cả.

Hệ lụy từ lối sống thực dụng

Ngày nay, lối sống đặt nặng lợi ích vật chất đang ngày càng phổ biến, đặc biệt trong giới trẻ. Dù việc coi trọng tài chính là cần thiết nhưng nếu đặt nó làm thước đo duy nhất, con người có thể đánh mất đam mê, lý tưởng và cả phẩm chất đạo đức.

Thạc sĩ Võ Thị Mỹ Tiên nhận định: "Cân nhắc yếu tố tài chính khi chọn nghề là cần thiết nhưng nếu chỉ xoay quanh tiền bạc, lựa chọn sẽ trở nên lạnh lùng và phiến diện".

Thạc sĩ Đoàn Thị Minh Thoa (Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM) nhấn mạnh: "Thành công không chỉ là sở hữu vật chất mà còn là sự trưởng thành về tư duy, trách nhiệm và khả năng cống hiến. Khi người trẻ chỉ chạy theo tiền bạc, họ dễ mất phương hướng, thậm chí đánh đổi cả sức khỏe và đạo đức".

Chị Phan Thị Tuyết Minh (TP.HCM) đưa ra quan điểm: “Sống thực tế là cần thiết nhưng không nên thực dụng. Chúng ta nên sống vừa có tài chính ổn định, vừa giữ được lòng tử tế và tình cảm chân thành”.

Để tránh sa vào lối sống thực dụng, mỗi người cần học cách cân bằng giữa vật chất và tinh thần. Thành công đích thực không chỉ nằm ở những gì ta có, mà còn ở cách ta sống và tạo giá trị cho đời.