Việc tranh cãi về việc Nhật Bản đã thi hành án tử hình đối với Takahiro Shiraishi, 34 tuổi, được mệnh danh là "Kẻ sát nhân Twitter" - sau khi y bị kết án giết và phân xác 9 người quen biết qua mạng xã hội - vẫn tiếp tục nóng trên mạng xã hội.

Takahiro Shiraishi - được mệnh danh là "Sát thủ Twitter" là kẻ hiếp dâm và giết người hàng loạt. (Ảnh: AP)
Shiraishi bị treo cổ hôm 27/6 tại Trại giam Tokyo vì các tội danh đặc biệt nghiêm trọng, bao gồm giết người, cưỡng hiếp, cướp tài sản, phân xác và phi tang thi thể. Theo Bộ trưởng Tư pháp Keisuke Suzuki, các tội ác của y "gây chấn động lớn và tạo ra tâm lý bất an trong xã hội".
Shiraishi chủ yếu nhắm vào những người trẻ tuổi, đặc biệt là các phụ nữ, từng chia sẻ ý định tự tử trên nền tảng mạng xã hội X (trước đây là Twitter). Trên tài khoản cá nhân, y tự nhận: "Tôi muốn giúp những người thực sự đang đau khổ. Hãy nhắn tin cho tôi bất cứ lúc nào".
Sau khi tiếp cận các nạn nhân, Shiraishi giả vờ thông cảm và hứa sẽ cùng họ "chết chung", hoặc giúp họ "chết nhẹ nhàng". Tuy nhiên, sau khi đưa các nạn nhân đến căn hộ nhỏ của mình gần Tokyo, y đã cưỡng hiếp, siết cổ đến chết, rồi phân xác họ. Thi thể bị giấu trong các hộp nhựa và tủ đông, có rắc cát vệ sinh mèo nhằm che giấu mùi hôi.

Takahiro Shiraishi bị áp giải đến Tòa án. (Ảnh: AFP)
Trong số 9 nạn nhân, có 8 là phụ nữ và 1 người là bạn trai của một nạn nhân nữ – người bị giết nhằm bịt đầu mối, theo hãng AP. Tất cả nạn nhân đều trong độ tuổi từ 15 đến 26.
Khi cảnh sát khám xét căn hộ vào mùa thu năm 2017, họ phát hiện các phần thi thể trong tủ đông, hộp dụng cụ và thậm chí có những phần bị vứt ở bãi rác. Giới truyền thông Nhật khi đó gọi căn hộ này là "ngôi nhà kinh hoàng".
Thi hành án tử hình sau 3 năm gián đoạn
Án tử hình của Shiraishi được phê chuẩn sau khi Thủ tướng đương nhiệm Shigeru Ishiba lên nắm quyền. Đây là án tử đầu tiên dưới thời ông Ishiba. Trước đó, Nhật Bản chỉ thi hành một án tử vào năm 2022 và 3 án vào năm 2021.
Bộ Tư pháp Nhật Bản cho biết, hiện có khoảng 100 phạm nhân đang chờ thi hành án tử hình tại nước này. Trong số đó, gần một nửa đang kháng cáo hoặc xin tái thẩm. Luật pháp Nhật Bản quy định án tử phải được thi hành trong vòng 6 tháng sau khi đơn kháng cáo cuối cùng bị bác bỏ, tuy nhiên trên thực tế, nhiều tử tù bị biệt giam hàng năm, thậm chí hàng thập kỷ, trong tình trạng không biết khi nào sẽ bị xử tử.
Quy trình thi hành án tử ở Nhật Bản được giữ hoàn toàn bí mật. Tử tù không được thông báo trước và chỉ biết vào đúng buổi sáng hôm thi hành án. Gia đình và luật sư của họ cũng thường chỉ biết sự việc sau khi án đã được thực hiện.
Tại phiên tòa năm 2020, các luật sư của Shiraishi từng lập luận rằng các nạn nhân đều có ý định tự tử và đã đồng thuận với hành vi của bị cáo, do đó y không đáng bị tử hình. Tuy nhiên, thẩm phán bác bỏ hoàn toàn quan điểm này, gọi các hành vi của Shiraishi là "xảo quyệt, tàn nhẫn" và "giẫm đạp lên nhân phẩm của nạn nhân".
"Bị cáo đã lợi dụng những người dễ tổn thương về mặt tâm lý để thỏa mãn dục vọng tình dục và mục đích tài chính của bản thân", thẩm phán nhấn mạnh.
Nhật Bản cùng với Hoa Kỳ là hai quốc gia thuộc nhóm G7 vẫn duy trì án tử hình. Mặc dù một bộ phận cộng đồng mạng bày tỏ ý kiến phản đối về việc thi hành án tử bằng hành thức treo cổ, song theo nhiều cuộc khảo sát, phần lớn người dân Nhật Bản ủng hộ việc giữ hình phạt này, đặc biệt đối với các tội ác dã man như của Shiraishi.

Một nơi giam giữ nạn nhân tại Nhật Bản. (Ảnh: AP)
Một số vụ xử tử từng gây chú ý tại Nhật trong thập kỷ qua có thể kể đến như vụ treo cổ Tomohiro Kato vào năm 2022 - thủ phạm giết 7 người trong một vụ tấn công tại khu Akihabara năm 2008. Ngoài ra, năm 2018, chính phủ Nhật cũng thi hành án tử với giáo chủ Shoko Asahara và 12 thành viên của giáo phái Aum Shinrikyo - nhóm đã tiến hành vụ tấn công bằng khí sarin trên tàu điện ngầm Tokyo năm 1995 khiến 14 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương.
Vụ án của Takahiro Shiraishi là lời nhắc nhở đầy ám ảnh về sự đe dọa tiềm tàng của không gian mạng đối với những người đang gặp khủng hoảng tâm lý. Nó cũng đặt ra những câu hỏi về trách nhiệm của các nền tảng mạng xã hội và vai trò của cộng đồng trong việc nhận diện, hỗ trợ và bảo vệ những người dễ bị tổn thương.