Theo trang Takungbao, ở thời nhà Thanh - Trung Quốc, săn bắn là hoạt động quan trọng của cung đình mỗi khi lập thu. Mỗi năm, triều đình tổ chức ít nhất hai đợt xuất cung để đánh bắt thú.
Trong bộ sưu tập hiện lưu giữ tại Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh, có loạt tác phẩm đề tài vua Càn Long cưỡi ngựa, săn bắn. Theo website của bảo tàng, vua là hậu duệ của người Mãn Châu - chủ yếu làm nghề chăn nuôi, săn bắn, vì vậy, việc cưỡi ngựa và bắn cung là hoạt động không thể thiếu trong cuộc sống. Khi còn nhỏ, Càn Long đi săn cùng ông nội - vua Khang Hy - từ năm 12 tuổi, và duy trì đến cuối đời. Thời điểm mới lên ngôi, vua ra lệnh cho Lang Thế Ninh và các họa sĩ cung đình vẽ loạt tác phẩm về cảnh đi săn của mình.

Bức "Uy hồ hoạch lộc" hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Cố Cung - Ảnh: DPM
Một trong những bức tranh mà Bảo tàng Cố Cung hiện lưu giữ đang được cộng đồng mạng xứ Trung mang ra bàn luận sôi nổi đó chính là bức họa Uy hồ hoạch lộc (cung gỗ uy lực khiến hươu khuất phục).
Tác phẩm dài gần hai mét, cao khoảng 38 cm, có dòng chữ do Càn Long (1711-1799) đề: "Uy hồ hoạch lộc". Địa điểm được khắc họa là bãi săn Mộc Lan - nay thuộc tỉnh Hà Bắc.
Trong tranh, vua Càn Long cưỡi ngựa trắng, giương cung nhắm vào chú hươu. Phi tần cưỡi ngựa theo sau, đưa mũi tên cho nhà vua khi cần. Theo DPM, tranh nêu thông điệp "phu xướng phụ tùy" - chỉ vợ chồng đồng lòng, hòa hợp, cùng một mục tiêu.

Nàng phi tần được cho là Dung Phi trong tranh - Ảnh: DPM
Được biết, trong tất cả những bức tranh liên quan hoạt động săn bắn của Càn Long còn được lưu giữ, hiếm có tác phẩm khắc họa cả phi tần như Uy hồ hoạch lộc. Các nhà nghiên cứu cho rằng, điều đó thể hiện vị trí đặc biệt của người phụ nữ trong lòng nhà vua.
Theo nhận định của các chuyên gia Bảo tàng Cố Cung, người phụ nữ này rất có thể là Dung Phi - dân gian gọi là Hương Phi - một trong những phi tần được sủng ái bậc nhất của Càn Long.
Dung phi là người Duy Ngô Nhĩ, họ Hòa Trác Thị. Trong truyền thuyết, Dung phi được miêu tả là một người con gái có dung mạo vô cùng đặc biệt và khác biệt so với tất cả mọi người xung quanh. Nàng không cần dùng đến bất cứ hương liệu gì mà toàn thân vẫn toát lên một mùi hương thoang thoảng, thơm dịu.
Ban đầu nàng tiến cung hoàn toàn không phải thông qua cuộc thi tuyển tú. Khi đó, người nhà của Dung phi đưa nàng vào hậu cung để lấy lòng Thanh triều. Bấy giờ, nàng đã 27 tuổi. Tuy rằng Dung Phi nhập cung ở độ tuổi được đánh giá là đã già nhưng Càn Long vẫn bị hấp dẫn bởi dung mạo xinh đẹp và mùi hương tươi mát ngào ngạt trên người nàng.
Bên cạnh đó, nàng còn may mắn được hưởng gen di truyền ca hát và nhảy múa từ bao đời nay của những thiếu nữ Duy Ngô Nhĩ. Khi nhảy múa, cả người của Dung phi vô cùng mềm mại, uyển chuyển, động tác cổ cũng cực kì linh hoạt, trông nàng giống như một con thiên nga trắng đầy cao quý vậy.

Nhân vật Dung phi trong phim Hậu cung Như Ý truyện
Sau khi thưởng thức màn biểu diễn của tuyệt sắc mỹ nhân Dung phi, Càn Long đã bị nàng làm cho say đắm. Trong cung, các thói quen cùng nghi lễ tín ngưỡng của nàng đều được nhà vua tôn trọng. Thậm chí, Càn Long còn tìm đầu bếp nấu nướng phù hợp khẩu vị quê hương của Dung Phi, nhiều lần đưa nàng theo cùng các chuyến đi tuần.
Đó cũng là lý do giải thích cho việc thăng cấp phi vị của nàng diễn ra vô cùng nhanh: Nhập cung 3 năm được phong làm Tần, 5 năm sau được phong làm phi, và đứng thứ 3 trong hàng phi vị.
Sau khi Dung phi qua đời ở tuổi 54, Càn Long vô cùng đau lòng, đến mức phải bãi triều 3 ngày. Trong xã hội phong kiến, một hoàng đế vì cái chết của phi tử mà bãi triều 3 ngày - việc này là vô cùng bất thường, chưa từng có tiền lệ dưới thời Thanh.
Dưới đây là một vài bức tranh khác ghi lại cảnh săn bắt của vua Càn Long.

"Hoàng đế Càn Long săn hổ", kích thước 258,5x171,9 cm, khắc họa cảnh Càn Long 30 tuổi và các cận vệ cầm giáo trong tay, tiến tới đâm con hổ. Theo thông tin trên web Bảo tàng Cố Cung, tác giả sử dụng thủ pháp nghệ thuật tương phản miêu tả khung cảnh hổ sợ hãi đứng yên trước sự tấn công của vua. "Nét vẽ tinh xảo, mô tả chính xác hành vi, biểu cảm của các nhân vật. Để làm nổi bật sự uy nghiêm của Càn Long, họa sĩ vẽ chúa tể sơn lâm trông nhỏ bé, yếu ớt", bảo tàng viết.

"Càn Long đi săn và ăn tối", kích thước 317,5x190 cm, mô tả cảnh Càn Long ngồi khoanh chân trên bục, phía sau là lều nghỉ màu vàng rực rỡ, sau cuộc đi săn vào năm 1749. Khi đó, vua và đoàn tùy tùng đang chờ đầu bếp xẻ thịt hươu, hầm canh, nướng thịt để thưởng thức chiến lợi phẩm.

"Hoàng đế Càn Long giết gấu", kích thước 259x171,6 cm, mô tả cảnh vua gặp một con gấu trên núi. Tác giả mô tả vua một mình đối đầu với gấu chẳng hề sợ hãi, còn loài vật hung dữ trở nên hèn nhát, ẩn mình sau gốc cây. Theo các tài liệu ghi chép, khi Càn Long cùng ông nội Khang Hy đi săn ở Vĩnh An, cũng từng can đảm đối mặt một con gấu đen. Khi đó, Khang Hy khen cháu: "Sinh mệnh quý giá, phúc đức nhiều vô kể".