Holy Night: Đội săn quỷ nhưng chưa săn trúng cảm xúc

Holy Night giống như một món ăn có nguyên liệu tốt, công thức ổn, nhưng cách nấu lại chưa tới.

Holy Night: Demon Hunters (Đêm thánh: Đội săn quỷ) là bộ phim hành động – huyền bí do Lim Dae-hee đạo diễn, kể về hành trình trừ tà của nhóm "Holy Night" gồm ba thành viên: Bau (Ma Dong-seok) – người đàn ông dùng nắm đấm để đối đầu ác quỷ, Sharon (Seohyun) – pháp sư có khả năng cảm nhận và trục xuất tà linh, và Kim Gun (Lee David) – phụ tá công nghệ hỗ trợ các nhiệm vụ. Nhóm này hoạt động như một tổ chức tư nhân chuyên nhận các “ca trừ tà” thuê. Một ngày, bác sĩ tâm thần Jung-won (Kyung Soo-jin) tìm đến nhờ họ giúp đỡ khi em gái mình – Eun-seo (Jung Ji-so) – bắt đầu có dấu hiệu bị quỷ ám. Khi điều tra, nhóm phát hiện ra một giáo phái tà đạo đang âm thầm thực hiện nghi thức triệu hồi ác quỷ để xâm chiếm thế giới con người. Hành trình của họ dẫn đến một cuộc đối đầu căng thẳng, nơi không chỉ sức mạnh thể chất mà cả lòng tin, kiến thức huyền học và sự kết nối giữa các nhân vật sẽ quyết định thắng bại.

Holy Night: Đội săn quỷ nhưng chưa săn trúng cảm xúc- Ảnh 1.

Nắm đấm của Ma Dong-seok không còn tác dụng

Ẩn sau lớp vỏ kinh dị pha chút giễu nhại, Holy Night khởi đầu như một cuộc đi săn quái vật đầy tiềm năng: một nhóm thợ săn đối đầu với thế lực siêu nhiên trong bối cảnh u ám, vừa đủ bí ẩn để khơi gợi tò mò, vừa đủ hài hước để tạo cảm giác dễ tiếp cận. Thế nhưng, khi bước sâu vào mạch truyện, bộ phim dần bộc lộ sự hời hợt trong cách dẫn dắt. Thay vì đẩy mạnh kịch tính hay khơi gợi cảm xúc, Holy Night lại trôi qua một cách nhạt nhòa — thiếu cao trào, thiếu điểm nhấn và đặc biệt là thiếu lý do để người xem thực sự bận tâm đến hành trình mà các nhân vật đang theo đuổi.

Sự hụt hơi ấy càng hiện rõ trong các cảnh hành động – vốn là đặc sản quen thuộc gắn liền với cái tên Ma Dong-seok. Vẫn là phong cách "giải quyết mọi vấn đề bằng nắm đấm", vẫn là những cú ra đòn mạnh mẽ và dứt khoát đặc trưng của anh, nhưng khi lặp đi lặp lại trong một bộ phim không có nền kịch bản đủ chắc để nâng đỡ, mọi thứ nhanh chóng trở nên đơn điệu. Dù Holy Night không thiếu đầu tư kỹ thuật — một vài phân đoạn được xử lý slow-motion chỉn chu, cắt dựng mượt và phối hợp hành động khá nhịp nhàng — nhưng tất cả chỉ dừng lại ở mức "được", không đủ bứt phá để trở thành điểm sáng. Những ai từng theo dõi loạt phim The Outlaws, The Roundup, hay gần đây là Punishment sẽ dễ dàng nhận ra: đây đơn giản chỉ là một phiên bản nhẹ ký hơn, ít tính bạo lực hơn và thiếu đi sự bùng nổ từng làm nên thương hiệu của Ma Dong-seok.

Holy Night: Đội săn quỷ nhưng chưa săn trúng cảm xúc- Ảnh 2.

Việc lạm dụng cảnh đấm đá không chỉ làm mất đi nhịp điệu của phim mà còn khiến khán giả nhanh chóng rơi vào trạng thái mệt mỏi. Hành động — nếu không có ý đồ kể chuyện hoặc đổi mới hình thức — sẽ trở thành gánh nặng cho nhịp phim. Và đó chính là điều xảy ra ở Holy Night. Các pha đối đầu trong phim tuy tràn đầy năng lượng nhưng thiếu chiều sâu, thiếu biến hóa, và dần dà bị rút cạn sức hấp dẫn bởi sự lặp lại. Cảm giác như bộ phim cứ trượt mãi trong một chuỗi hành động được lập trình sẵn, không có điểm dừng, cũng chẳng có điểm nhấn.

May mắn thay, yếu tố hài hước đã phần nào giữ cho Holy Night không chìm hẳn vào sự nhàm chán. Những cú thoại duyên dáng, sự tung hứng giữa các nhân vật phụ và nhịp điệu nhẹ nhàng trong cách xây dựng tình huống đã góp phần cân bằng lại không khí. Dù không phải lúc nào cũng sắc sảo hay tinh tế, nhưng những khoảng nghỉ hài hước lại chính là yếu tố giúp người xem dễ dàng đồng hành với câu chuyện — nhất là khi phần kinh dị không đủ sức gây ám ảnh, còn hành động thì dần đuối sức. Đặc biệt, phiên bản phụ đề chiếu rạp tại Việt Nam đã làm rất tốt việc "nội địa hóa" tiếng cười, khiến các mảng miếng hài trở nên gần gũi và duyên dáng hơn với khán giả bản địa. Đây có thể xem là một điểm cộng hiếm hoi, khi phần hài không chỉ đóng vai trò giải trí mà còn góp phần giúp bộ phim dễ dàng hòa nhập vào thị hiếu văn hóa của người xem Việt — một lựa chọn tinh tế và thông minh từ phía phát hành.

Holy Night: Đội săn quỷ nhưng chưa săn trúng cảm xúc- Ảnh 3.

Diễn xuất không đồng đều

Diễn xuất trong Holy Night tạo nên một mặt trận khá chênh vênh: người thì thăng hoa, kẻ lại mờ nhạt đến mức dễ bị lãng quên. Giữ vai trò gần như chủ chốt trong phim — hai thợ săn đồng hành cùng nam chính do Seohyun và Lee David thủ vai — không để lại nhiều dấu ấn. Seohyun, dù được trao khá nhiều đất diễn và xuất hiện như một trong những trụ cột của nhóm, lại trở thành mắt xích yếu nhất. Không thể phủ nhận ngoại hình nổi bật của nữ diễn viên, xong những biểu cảm gượng gạo và cách gồng mặt trong nhiều tình huống đã khiến màn trình diễn của cô thiếu tự nhiên, đôi lúc còn gây khó chịu. Có cảm giác như Seohyun đang cố diễn hơn là thực sự sống trong nhân vật — và điều đó khiến khán giả khó lòng kết nối.

Tuyến vai của cô vốn được xây dựng để tạo cảm giác "cool ngầu", nhưng lại thiếu chiều sâu và sức sống cần thiết để bật lên giữa một thế giới hỗn loạn của quỷ dữ và thợ săn. Không chỉ Seohyun, Lee David cũng không khá hơn khi vai diễn của anh thiếu điểm nhấn và gần như trôi tuột trong nhịp phim. Cả hai, dù nỗ lực, vẫn không thể thoát khỏi cảm giác bị lu mờ — không chỉ bởi kịch bản thiếu ưu ái mà còn bởi chính phong độ diễn xuất chưa tới.

Holy Night: Đội săn quỷ nhưng chưa săn trúng cảm xúc- Ảnh 4.

Trong khi đó, Ma Dong-seok vẫn là trung tâm lực hút quen thuộc, dù lần này sức hút ấy có phần nhạt màu hơn trước. Anh tiếp tục mang lên màn ảnh hình tượng cơ bắp, bất khả chiến bại và giải quyết mọi việc bằng nắm đấm — thứ mà khán giả đã quá quen thuộc. Có thể nói, Ma Dong-seok không cần cố gắng nhiều để làm tròn vai, nhưng cũng chính vì vậy mà vai diễn lần này khó lòng tạo ra sự khác biệt đáng kể. Anh đủ sức giữ nhịp cho phim, đủ lực để kéo khán giả ra rạp, nhưng chưa đủ mới để làm người xem nhớ lâu.

Điểm sáng hiếm hoi — và có lẽ là điểm sáng rực rỡ nhất của Holy Night — đến từ Jung Ji-so trong vai Eun-seo, cô gái trẻ bị quỷ ám. Giữa một dàn cast không mấy đồng đều, Jung Ji-so nổi bật nhờ khả năng kiểm soát cảm xúc tinh tế và biểu cảm giàu chiều sâu. Cô thể hiện một cách thuyết phục sự biến chuyển tâm lý từ bình thường đến ám ảnh, từ sợ hãi đến điên loạn. Từng ánh nhìn, từng nhịp thở của nhân vật đều được cô tính toán kỹ lưỡng, tạo nên một màn trình diễn nhiều tầng lớp và cực kỳ sống động.

Đặc biệt trong những cảnh cần bộc lộ nội tâm — như khi nhân vật bị dằn vặt bởi sự hiện diện của thế lực ma quái — Jung Ji-so không chỉ “diễn” mà như thể đang thực sự trải qua nỗi đau đó. Sự thay đổi trong giọng nói, cử chỉ vụng về, ánh mắt hoảng loạn nhưng đầy trấn áp… tất cả hòa quyện để tạo nên một nhân vật vừa đáng thương, vừa ám ảnh. Chính nhờ thế mà vai diễn của Jung Ji-so không chỉ cứu vớt phần cảm xúc cho toàn bộ phim mà còn khơi dậy được thứ cảm giác gai người mà phần kinh dị trong Holy Night lẽ ra phải làm được từ đầu.

Holy Night: Đội săn quỷ nhưng chưa săn trúng cảm xúc- Ảnh 5.

Chấm điểm: 3/5

Holy Night giống như một món ăn có nguyên liệu tốt, công thức ổn, nhưng cách nấu lại chưa tới. Bộ phim sở hữu một ý tưởng không tệ: đặt những thợ săn quái vật vào thế giới đầy rẫy ác linh để kể một câu chuyện vừa máu me, vừa hài hước — đủ để kích thích sự tò mò. Nhưng chính sự thiếu tiết chế trong các cảnh hành động và kịch bản thiếu kịch tính đã khiến tác phẩm dần trượt khỏi quỹ đạo ban đầu. Dù có những khoảnh khắc sáng giá từ diễn xuất đầy ám ảnh của Jung Ji-so hay những mảng hài nhẹ nhàng giúp "giải độc" không khí u tối, chừng đó vẫn chưa đủ để bộ phim trở nên đáng nhớ.

Tựu trung, Holy Night không phải là một trải nghiệm tệ, nhưng cũng khó để gọi là trọn vẹn. Nó là lời nhắc rằng một bộ phim hành động – kinh dị không thể chỉ sống bằng cú đấm hay máu me, mà cần cả nhịp điệu cảm xúc, sự thăng trầm trong câu chuyện và nhân vật đủ sức neo lại trong tâm trí khán giả.

Holy Night: Đội săn quỷ nhưng chưa săn trúng cảm xúc- Ảnh 6.