Ơn giời, Disney được cứu rồi!

Sau hàng loạt phiên bản live-action thất bại liên tiếp, Disney một lần nữa đã lấy lại được phép màu.

Trong suốt nhiều thập kỷ, cái tên Disney đã trở thành biểu tượng cho những giấc mơ nhiệm màu. Hãng phim của Walt Disney không chỉ tạo ra những bộ phim hoạt hình, mà còn thắp sáng tuổi thơ của hàng triệu thế hệ khán giả toàn cầu bằng trí tưởng tượng, âm nhạc và cảm xúc thuần khiết. Tuy nhiên, kể từ khi làn sóng live-action trở thành chiến lược chủ đạo, những gì từng khiến Disney trở nên đặc biệt lại dần bị đánh mất Sự lạm dụng công thức làm lại vô hồn, cộng thêm tham vọng chính trị hoá tác phẩm, khiến hình ảnh "phép màu Disney" dần mờ nhạt.

Ơn giời, Disney được cứu rồi!- Ảnh 1.

Disney đưa cổ tích thành hiện thực

Trên thực tế, live-action không phải là địa hạt mới với Disney, khi The Jungle Book (Cậu Bé Rừng Xanh) lần đâu được ra mắt vào năm 1994. Tuy nhiên, bước ngoặt thực sự đến vào giữa những năm 2010, khi hãng quyết định tái sinh kho tàng hoạt hình kinh điển bằng công nghệ đỉnh cao và cách kể chuyện hiện đại. Trong bối cảnh thị trường điện ảnh đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các vũ trụ điện ảnh như Marvel, DC Disney chọn một con đường khác là đánh thức ký ức của hàng triệu thế hệ.

Đây được xem là một chiến lược cực kỳ khôn ngoan khi họ không chỉ làm lại những phiên bản hoạt hình, mà biến mỗi phim live-action thành một lời tri ân giàu cảm xúc dành cho thế hệ đã trưởng thành cùng các bản gốc. Cốt truyện được giữ nguyên tinh thần, nhưng thêm chiều sâu cho nhân vật, mở rộng thế giới quan và đặc biệt là tận dụng tối đa tiến bộ kỹ xảo CGI để biến cổ tích thành hiện thực thuyết phục.

Ơn giời, Disney được cứu rồi!- Ảnh 2.

Cinderella (2015), The Jungle Book (2016) và Beauty and the Beast (2017) là ba cột mốc quan trọng trong giai đoạn đỉnh cao của chiến lược live-action tại Disney. Mỗi tác phẩm đều đạt thành công thương mại ấn tượng, cho thấy công thức làm mới kinh điển không chỉ hiệu quả về doanh thu mà còn tạo được tiếng vang văn hóa. Đáng chú ý nhất là Beauty and the Beast, phiên bản người đóng đã vượt mốc 1,26 tỷ USD doanh thu toàn cầu, trở thành một trong những phim nhạc kịch ăn khách nhất mọi thời đại. Thành tích này củng cố niềm tin rằng nếu được xử lý đúng cách, các câu chuyện cổ tích quen thuộc hoàn toàn có thể sống lại mạnh mẽ trong thế kỷ 21.

Ơn giời, Disney được cứu rồi!- Ảnh 3.

Yếu tố tạo nên sức hút vượt trội cho loạt phim live-action thời kỳ đầu không chỉ nằm ở tên tuổi thương hiệu hay nội dung quen thuộc, mà đến từ cách Disney nâng tầm trải nghiệm thị giác và cảm xúc. Công nghệ giữ vai trò trung tâm trong quá trình tái sinh các biểu tượng hoạt hình. Với kỹ xảo CGI hiện đại, thiết kế bối cảnh công phu và phần âm nhạc được phối khí lại tinh tế, những không gian huyền thoại như cung điện của Belle, khu rừng nhiệt đới của Mowgli hay vũ hội lộng lẫy của Lọ Lem được tái hiện một cách thuyết phục và sống động. Khán giả không chỉ được gợi nhớ ký ức, mà còn thực sự tin vào thế giới cổ tích ấy, bởi nó được kể lại bằng ngôn ngữ điện ảnh hiện đại, với nhân vật có chiều sâu tâm lý hơn, thông điệp đạo đức rõ ràng hơn và cảm xúc được dẫn dắt một cách mạch lạc. Live-action lúc này không đơn thuần là bản sao người thật, mà là sự tái diễn giàu tinh thần điện ảnh, biến hoài niệm thành trải nghiệm mới.

Ơn giời, Disney được cứu rồi!- Ảnh 4.

Khi Disney đánh mất cảm xúc

Sau chuỗi thành công chói lọi, Disney đã sa vào cái bẫy muôn thuở của mọi đế chế sáng tạo - sự lặp lại vô hồn. Từ một phương tiện nghệ thuật đầy tâm huyết để tái hiện ký ức, live-action đã bị biến thành dây chuyền sản xuất công nghiệp. Những biểu tượng tuổi thơ bị vắt sữa một cách vô hồn, bị bóp méo bởi cùng một công thức cũ kỹ được phủ lên lớp sơn công nghệ hào nhoáng nhưng hoàn toàn trống rỗng cảm xúc. Dấu hiệu sa sút ngày càng rõ rệt khi cốt truyện thiếu chiều sâu, nhân vật đơn giản hóa, và thế giới cổ tích trở nên lạnh lẽo, vô vị.

The Lion King (2019) là ví dụ tiêu biểu. Với doanh thu lên tới 1,6 tỷ USD tưởng chừng đây là tiếp tục là một thành công thương mại của Disney. Thế nhưng bộ phim, mặt khác lại lại nhận làn sóng chỉ trích dữ dội khi đánh mất linh hồn tác phẩm gốc. Trong nỗ lực tái hiện mọi thứ như thật, Disney tạo ra một thế giới đẹp nhưng vô hồn, Simba với ánh mắt mắt không còn xúc cảm và Mufasa không thể chạm đến trái tim người xem như năm 1994.

Ơn giời, Disney được cứu rồi!- Ảnh 5.

Cú trượt dốc tiếp tục đến với Mulan (2020), dù được kỳ vọng mở rộng tầm ảnh hưởng tại thị trường châu Á nhưng lại thất bại toàn diện vì xa rời tinh thần nguyên tác. Việc loại bỏ Mushu, các bài hát, và cố gắng nghiêm túc hóa câu chuyện đã khiến phim mất đi tính hấp dẫn. Bản sắc Trung Hoa cũng bị thể hiện một cách máy móc, còn câu chuyện thì xa rời cảm xúc nguyên bản, khiến khán giả Đông – Tây đều lạc lõng.

Ơn giời, Disney được cứu rồi!- Ảnh 6.

Đỉnh điểm là Pinocchio (2022), nơi Disney gần như mất phương hướng. Dù có Tom Hanks và đạo diễn Robert Zemeckis, bộ phim vẫn chỉ là một bản sao mờ nhạt, thiếu cảm xúc, thiếu sáng tạo và thiếu cả lý do để tồn tại.

Thông điệp xã hội trở thành gánh nặng cho những câu chuyện cổ tích

Bên cạnh việc lạm dụng công nghệ, một trong những sai lầm đáng kể của Disney trong loạt phim live-action gần đây là quá sa đà vào yếu tố chính trị. Nỗ lực đưa thông điệp đa dạng, bình đẳng và hòa nhập vào tác phẩm lại thường bị triển khai một cách gượng ép. Thay vì làm giàu thêm chiều sâu câu chuyện, các thông điệp này đôi khi trở thành gánh nặng, khiến nội dung bị loãng, cảm xúc thiếu chân thực và bản sắc nguyên bản bị mờ nhạt. Đáng tiếc, thay vì mở rộng kết nối với khán giả mới, Disney lại đánh mất sự đồng cảm từ chính những người từng lớn lên cùng cổ tích. 

The Little Mermaid (2023) là minh chứng rõ nét nhất cho thất bại trong chiến lược của Disney. Việc lựa chọn Halle Bailey, một nữ diễn viên da màu vào vai nàng tiên cá Ariel đã tạo nên làn sóng phản ứng dữ dội trên mạng xã hội. Không ít người cho rằng sự thay đổi này không dựa trên tinh thần câu chuyện gốc mà mang tính ép buộc về mặt chính trị. Những hashtag như #NotMyAriel xuất hiện rầm rộ, thể hiện sự phản đối từ một bộ phận khán giả trung thành với phiên bản cổ điển.

Ơn giời, Disney được cứu rồi!- Ảnh 7.

Gần nhất là Snow White (2024) với sự tham gia của Rachel Zegler, một diễn viên gốc Latin.  Lần này, Disney không chỉ thay đổi màu da và văn hóa của nhân vật Bạch Tuyết, phiên bản mới còn được biên kịch lại với góc nhìn nữ quyền đậm nét hơn. Thậm chí nữ diễn viên còn còn công khai chỉ trích bản hoạt hình gốc là "lỗi thời và độc hại", khiến công chúng phẫn nộ. 

Tuy nhiên, vấn đề không đơn thuần chỉ nằm ở sự đa dạng hay chính trị hóa. Khán giả phản ứng mạnh vì Disney dường như đặt thông điệp xã hội lên trên chất lượng câu chuyện và sự chân thật trong cảm xúc. Các phiên bản này không chỉ khiến nhiều người xem cảm thấy xa lạ mà còn làm giảm đi sự đồng cảm và kết nối vốn là linh hồn của những câu chuyện cổ tích.

Ơn giời, Disney được cứu rồi!- Ảnh 8.

Lilo & Stitch 2025 - Lời hồi đáp đúng lúc của Disney 

Sau hàng loạt những tác phẩm vướng tranh cãi, Lilo & Stitch (2025) bất ngờ trở thành điểm sáng hiếm hoi. Không chạy theo chiêu trò hay thông điệp xã hội phô trương, bộ phim chinh phục khán giả nhờ sự tử tế trong cách kể chuyện và sự trân trọng nguyên bản. Đạo diễn Dean Fleischer Camp giữ gần như trọn vẹn tinh thần bản hoạt hình năm 2002, từ khung cảnh Hawaii đậm bản sắc đến thiết kế dễ thương của Stitch. Kịch bản được tinh chỉnh nhẹ, bổ sung chiều sâu cho các tuyến nhân vật mà vẫn giữ nguyên thông điệp "Ohana nghĩa là gia đình, và gia đình nghĩa là không ai bị bỏ lại phía sau".

Bên cạnh nội dung được xử lý tinh tế, dàn diễn viên trẻ mang lại sức sống mới cho phim. Maia Kealoha trong vai Lilo chạm đến cảm xúc với diễn xuất vừa ngổ ngáo vừa chân thật, được giới chuyên môn đánh giá là “trái tim” của bộ phim. Stitch – sinh vật CGI do Chris Sanders tiếp tục lồng tiếng – vẫn giữ nguyên nét nghịch ngợm đáng yêu. Tuyến phụ như đặc vụ Cobra Bubbles (Zach Galifianakis), “nhà khoa học điên” Jumba (Courtney B. Vance) hay chàng David (Kaipo Dudoit) tuy xuất hiện vừa đủ, nhưng đều góp phần làm đầy thế giới cảm xúc, hài hước và ấm áp của Lilo & Stitch.

Ơn giời, Disney được cứu rồi!- Ảnh 9.

Thành công của Lilo&Stitch cũng là một minh chứng cho thấy khán giả không chống lại sự đa dạng mà họ phản ứng với sự gượng ép, với những thay đổi xa rời tinh thần nguyên bản. Một câu chuyện cổ tích chỉ thực sự chạm đến trái tim khi nó được kể bằng cảm xúc chân thành, không phải bằng những thông điệp xã hội gán ghép một cách máy móc. Bởi khi cổ tích không còn là tấm gương phản chiếu ước mơ và ký ức, mà trở thành công cụ tuyên truyền khô khan, thì điều mất đi không chỉ là nghệ thuật kể chuyện mà là niềm tin khán giả từng dành trọn cho Disney.