Dự đoán được tuổi sinh học
Aerts giám đốc Chương trình AI trong Y học tại Mass General Brigham và các đồng nghiệp đã đào tạo mô hình FaceAge trên hơn 58.000 bức ảnh của những người từ 60 tuổi trở lên, những người được cho là có sức khỏe trung bình so với độ tuổi của họ tại thời điểm chụp ảnh.
Sau đó, nhóm nghiên cứu đã sử dụng FaceAge để dự đoán độ tuổi của hơn 6.000 người mắc bệnh ung thư.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, bệnh nhân ung thư trông già hơn khoảng năm tuổi so với độ tuổi thực tế của họ. Ước tính của FaceAge cũng tương quan với khả năng sống sót sau khi điều trị. Một người trông càng già, bất kể độ tuổi thực tế của họ, thì cơ hội sống lâu của họ càng thấp.
Ngược lại, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, độ tuổi thực tế không phải là yếu tố dự đoán tốt về khả năng sống sót ở bệnh nhân ung thư.
"Khi đã được hoàn thiện, FaceAge có thể giúp các bác sĩ điều chỉnh cường độ điều trị ung thư như xạ trị và hóa trị cho các bệnh nhân cụ thể", đồng tác giả nghiên cứu Tiến sĩ Ray Mak, bác sĩ chuyên khoa xạ trị tại Mass General Brigham, cho biết trong cuộc họp báo. Một thử nghiệm lâm sàng cho bệnh nhân ung thư để so sánh với FaceAge sẽ sớm được bắt đầu.
Nicola White, nhà nghiên cứu chăm sóc y tế tại University College London, Anh, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết các bác sĩ cũng cần cân nhắc cẩn thận khi nào và cách họ sử dụng FaceAge trong các trường hợp lâm sàng.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, công cụ AI sẽ không thay thế cho phán đoán của bác sĩ lâm sàng, nhưng FaceAge có thể trở thành một phần trong bộ công cụ của bác sĩ để cá nhân hóa kế hoạch điều trị.