Tại Trung Quốc, hình thức người dân ủy quyền cho đại lý mua hộ vé số qua các nền tảng mạng xã hội như WeChat diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, việc người chơi và người bán thường xuyên “mua nợ”, ứng trước tiền hoặc dùng tiền trúng thưởng để khấu trừ tiền vé sau này đã dẫn đến không ít rủi ro pháp lý khi tranh chấp xảy ra. Ông Vương, chủ một đại lý xổ số tại thành phố Khắc Lạp Mã Y, Tân Cương, Trung Quốc cũng đã vướng vào một rắc rối như thế.
Ông Vương thường cho ông Lý, một khách hàng thân thiết mua nợ vé số. Do tin tưởng lẫn nhau, ông Vương nhiều lần mua vé hộ ông Lý và ghi lại các khoản nợ thông qua tin nhắn WeChat. Mỗi lần mua hộ, ông Vương đều gửi thông tin cụ thể về số tiền nợ, ông Lý cũng không có ý kiến phản đối.
Đến tháng 11/2022, tổng số tiền nợ lên đến 53.410 NDT (hơn 190 triệu đồng). Khi ông Vương yêu cầu thanh toán, ông Lý đã viết tay giấy nợ với nội dung: “Tôi mượn của ông Vương 53.410 NDT, sẽ hoàn trả trước ngày 30/12/2023”. Tuy nhiên, đến hạn, ông Lý không trả và còn nói rằng mình không hề vay tiền. Ông Vương không còn cách nào khác nên đã khởi kiện ra tòa yêu cầu thanh toán nợ.
Tại tòa án, ông Lý lập luận rằng đây là khoản nợ phát sinh từ việc mua nợ vé số - hình thức bị cấm theo quy định tại Điều lệ Quản lý Xổ số của Trung Quốc. Vì vậy, theo ông Lý, hành vi này là bất hợp pháp và giao dịch nên vô hiệu, ông không có nghĩa vụ trả khoản tiền trên.

(Ảnh minh họa)
Ngược lại, phía ông Vương khẳng định rằng việc ông Lý nhiều lần đồng ý qua WeChat về các khoản tiền nợ mua vé, và việc ông chủ động viết giấy xác nhận nợ tiền, đủ cơ sở để xác định đây là quan hệ vay mượn giữa hai bên. Sau khi tiến hành xem xét các chứng cứ, tòa án cho biết, trên thực tế, đúng là ông Vương đã làm sai khi có hành vi cho ông Lý mua nợ xổ số.
Tuy nhiên, bằng chứng từ lịch sử tin nhắn WeChat ghi lại các lần báo nợ, cũng như giấy vay tiền do chính ông Lý viết và ký tên, chứng minh ông Lý thực sự nợ tiền ông Vương. Cuối cùng, cả tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm ở Tân Cương đều cho rằng, dù khoản nợ ban đầu phát sinh từ việc “mua nợ” vé số - hành vi vi phạm quy định hành chính về hoạt động xổ số, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc toàn bộ giao dịch bị vô hiệu.
Tòa án nói thêm, quy định về cấm bán nợ xổ số trong Điều lệ Quản lý Xổ tại Trung Quốc là quy định mang tính quản lý hành chính, nhằm kiểm soát hoạt động kinh doanh xổ số chứ không trực tiếp điều chỉnh hiệu lực của quan hệ dân sự giữa cá nhân với nhau. Vì vậy, vi phạm quy định này không làm cho giấy vay tiền trở nên vô hiệu.
Bên cạnh đó, việc ông Lý không phản đối các khoản nợ được thông báo qua tin nhắn, sau đó còn tự tay viết giấy vay tiền, đã thể hiện sự thừa nhận món nợ và nghĩa vụ trả nợ. Tòa nhận định, giữa 2 bên đã hình thành một quan hệ vay mượn dân sự rõ ràng, hợp pháp, có hiệu lực thi hành.
Từ các căn cứ trên, tòa tuyên bố ông Lý phải trả cho ông Vương toàn bộ số tiền 53.410 NDT (hơn 190 triệu đồng) theo đúng cam kết trong giấy vay tiền. Thông qua vụ việc, tòa án địa phương nhắc nhở mọi người phải chú ý tuân thủ các điều luật khi mua bán vé xổ số. Dù vì lý do tin tưởng, thân thiết hay tiện lợi, việc mua nợ vé số không chỉ vi phạm quy định quản lý ngành nghề tại Trung Quốc mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý nếu không được ghi nhận rõ ràng.
(Theo Toutiao)