Game di động bị ghét nhất?
Chắc hẳn, đây từng là câu hỏi của không ít game thủ từ trước tới nay. Cũng dễ hiểu thôi bởi trong thị trường game di động vốn ngày càng đa dạng và phức tạp, chắc chắn dù ít hay nhiều cũng sẽ tồn tại một vài cái tên khiến người chơi ghét bỏ. Tuy nhiên "9 người 10 ý", nếu chỉ lắng nghe quan điểm của từng cá nhân thì rất khó để tổng hợp và rút ra kết luận xem những trò chơi cần có mặt trong "sổ đen" là gì.

May mắn là mới đây, có một cuộc bình chọn công khai đã diễn ra ở Trung Quốc, cho phép cộng đồng game thủ "chỉ mặt đặt tên" những tựa game di động được yêu thích và ghét bỏ nhất. Dù quy mô cuộc khảo sát không lớn, nhưng kết quả lại phản ánh rất rõ xu hướng thị hiếu và tâm lý "yêu-ghét lẫn lộn" đang lan rộng trong cộng đồng người chơi xứ tỷ dân.
Game di động "quốc dân" rơi đáy? Xu hướng Gacha vẫn cực kỳ thịnh hành?
Hai cái tên thuộc Onmyoji và Identity V — vốn từng là những niềm tự hào của NetEase, giờ đây lại nằm ở nhóm bị ghét nhất. Nhiều người chơi phàn nàn rằng Onmyoji ngày càng sa sút về lối chơi, quá nặng yếu tố "hút máu" và phụ thuộc vào may rủi. Trong khi Identity V, tựa game sinh tồn từng được yêu thích vì phong cách gothic độc đáo — giờ bị chỉ trích vì "toxic community" (cộng đồng người chơi tiêu cực), cân bằng game kém và thiếu cập nhật đổi mới.

Điều khiến nhiều người bất ngờ là việc Vương Giả Vinh Diệu (Honor of Kings) — từng được ví như "phiên bản gốc của Liên Quân", và là game "quốc dân" với hàng trăm triệu người chơi cũng bị đưa vào "vùng đen" vì khiến người chơi cảm thấy mệt mỏi, áp lực... thậm chí là "nghiện game". Sự bão hòa về meta, tốc độ cập nhật quá nhanh và yếu tố "try hard" khiến nhiều game thủ cảm thấy xa rời thực tế.
Trái ngược với nhóm bị ghét, nhóm "vùng đỏ" lại ghi nhận sự lên ngôi mạnh mẽ của các tựa game Gacha như Honkai: Star Rail, Genshin Impact, Zenless Zone Zero, Arknights hay Blue Archive.

Dù đều khai thác mô hình thu thập nhân vật mang tính "may rủi", nhưng các tựa game này vẫn duy trì sức hút nhờ chất lượng đồ họa, cốt truyện hấp dẫn, hệ thống nhân vật sáng tạo và đặc biệt là khả năng giữ chân người chơi bằng chuỗi sự kiện đều đặn, chăm chút. Có thể thấy, nếu biết cân bằng giữa yếu tố "gacha" và trải nghiệm người chơi, thể loại này vẫn là "gương mặt vàng" trong làng game di động hiện tại.