
Thảm họa kép động đất - sóng thần ở bờ biển Minamisoma, Fukushima, Nhật Bản vào tháng 3/2011. (Ảnh: AFP)
Một trận động đất mạnh có thể xảy ra tại khu vực miền Trung Nhật Bản trong vòng 3 thập kỷ tới, với xác suất lên tới 18%, theo cảnh báo mới từ Ủy ban Nghiên cứu Động đất của chính phủ Nhật Bản.
Thông tin này được đưa ra ngày 28/6/2025, dựa trên đánh giá của Ủy ban về 23 đứt gãy và vùng đứt gãy đang hoạt động ngoài khơi khu vực Kinki (phía tây Nhật Bản) và Hokuriku (miền Trung Nhật Bản), mỗi vùng có chiều dài ít nhất 20 km nằm trong Biển Nhật Bản.
Theo báo cáo, các đứt gãy biển đang hoạt động tại hai khu vực này có thể gây ra động đất với độ lớn từ 7,0 trở lên, với xác suất dao động từ 16% đến 18% trong vòng 30 năm tới.
Sau trận động đất kinh hoàng xảy ra trên bán đảo Noto hồi tháng 1/2024, khiến hàng chục người thiệt mạng và gây thiệt hại nghiêm trọng, chính phủ Nhật Bản đã gia tăng các nỗ lực đánh giá nguy cơ địa chấn ngoài khơi. Tới tháng 8/2024, Ủy ban đã công bố thông tin chi tiết về vị trí, chiều dài của các đứt gãy dưới đáy biển và ước tính độ lớn tối đa của các trận động đất có thể phát sinh.
Theo bản đánh giá mới nhất, nhóm 9 đứt gãy phía Tây, chủ yếu nằm ngoài khơi bờ biển phía bắc khu vực Kinki, có xác suất gây động đất từ 4% đến 6%. Trong khi đó, nhóm 14 đứt gãy phía đông, bao gồm cả ngoài khơi bán đảo Noto, có xác suất cao hơn, từ 12% đến 14%.
Giáo sư danh dự Naoshi Hirata thuộc Đại học Tokyo, hiện là Chủ tịch Ủy ban, nhận định: "Xác suất khoảng 10% trong vòng 30 năm là một con số khá cao, điều đó có nghĩa là một trận động đất lớn có thể xảy ra ngay trong thời gian chúng ta còn sống".
Ông kêu gọi người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa như gia cố nhà cửa chống động đất và cố định đồ đạc trong nhà để giảm thiểu thiệt hại.
Đáng chú ý, khu vực đứt gãy nằm ở phía bắc bán đảo Noto - nơi từng là tâm chấn trận động đất đầu năm 2024 - được đánh giá có xác suất gần như bằng 0 trong việc gây ra một trận động đất lớn khác trong vòng ba thập kỷ tới, do đã giải phóng năng lượng tích lũy.
Tuy nhiên, khu vực phía Tây bán đảo lại tiềm ẩn rủi ro cao nhất. Cụ thể, một đứt gãy và một phần của vùng đứt gãy ở phía Tây được xác định có xác suất gây động đất mạnh là 1% đến 2%, cao nhất trong số 23 khu vực được khảo sát.
Giáo sư Hirata lưu ý: "Một trận động đất tương tự như năm ngoái có thể chưa xảy ra lại ngay tại khu vực phía bắc bán đảo Noto, nhưng nguy cơ xảy ra ở khu vực khác là hoàn toàn có thật". Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc chuẩn bị sẵn sàng đối phó với động đất và sóng thần ở quy mô tương đương trận động đất năm 2024.

Thảm họa kép động đất - sóng thần ở Nhật Bản vào tháng 3/2011. (Ảnh: AFP)
Đứt gãy ngoài khơi Toyama được đưa vào danh sách nguy hiểm
Một thông tin đáng chú ý khác là Ủy ban lần đầu tiên công nhận sự tồn tại của một đứt gãy ngoài khơi tỉnh Toyama, miền Trung Nhật Bản, và đánh giá xác suất gây ra động đất mạnh từ đứt gãy này ở mức 0,9% đến 1%.
Bên cạnh đó, ba đứt gãy khác nằm ngoài khơi tỉnh Niigata do có cấu trúc địa chất khác biệt sẽ được Ủy ban đánh giá riêng trong đợt tới.
Cùng với đánh giá dài hạn, Ủy ban cũng công bố dữ liệu mới về cường độ rung chấn dự kiến nếu xảy ra động đất tại các đứt gãy này. Theo đó, nếu một trận động đất xảy ra tại đứt gãy ngoài khơi tỉnh Fukui, một số khu vực của thủ phủ Fukui có thể ghi nhận rung chấn cấp độ 6 thấp - mức cao thứ ba trong thang đo địa chấn của Nhật Bản.
Tương tự, nếu động đất xảy ra tại đứt gãy ngoài khơi tỉnh Ishikawa, thủ phủ Kanazawa của tỉnh này cũng có thể hứng chịu rung chấn cấp độ 6 thấp.
Nhật Bản là quốc gia nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương - khu vực hoạt động địa chất mạnh nhất thế giới. Việc cập nhật thường xuyên các dữ liệu về đứt gãy địa chấn và nguy cơ động đất là một phần trong chiến lược phòng chống thiên tai quốc gia.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng dữ liệu xác suất tuy hữu ích, nhưng không thể dự đoán chính xác thời điểm xảy ra động đất. Do đó, việc nâng cao ý thức phòng tránh trong cộng đồng, chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị khẩn cấp và xây dựng kết cấu nhà cửa vững chắc vẫn là các biện pháp thiết thực và cần thiết.
Chính phủ Nhật Bản hiện đang phối hợp với các địa phương để triển khai kế hoạch phòng chống thiên tai toàn diện, bao gồm cả hệ thống cảnh báo sớm sóng thần nhằm giảm thiểu thiệt hại khi thảm họa xảy ra.