MB88
VT88

Hiểm họa của trào lưu tiêm ‘Botox Hàn Quốc’ học từ TikTok

Không còn hài lòng với giá thành và hiệu quả của các liệu pháp Botox tại spa, nhiều người, đặc biệt là phụ nữ Mỹ, đang tự tiêm Innotox - một loại "Botox Hàn Quốc" chưa được cấp phép - ngay tại nhà sau khi học qua TikTok.
(Ảnh minh họa: ELE)

(Ảnh minh họa: ELE)

Marie Neidert, 43 tuổi, sống tại bang Missouri (Mỹ), bắt đầu sử dụng Botox để điều trị chứng đau nửa đầu từ ba năm trước. Sau đó, cô cũng dần yêu thích những thay đổi thẩm mỹ mà Botox mang lại như làm mờ nếp nhăn trán và rãnh cười. Nhưng khi spa của cô chuyển sang sử dụng một loại độc tố thần kinh khác, hiệu quả không như mong đợi.

"Hiệu quả chỉ kéo dài khoảng 1,5 đến 2 tháng, trong khi tôi phải chi tới 600 - 700 USD mỗi vài tháng. Thật vô lý", Neidert chia sẻ.

Khi lướt TikTok, cô thấy nhiều người đăng tải video tự tiêm một sản phẩm tên Innotox với kết quả "rất tuyệt". Sau khi hỏi ý kiến người theo dõi, cô quyết định đặt mua một lọ với giá 210 USD từ một nguồn từng bán cho cô sản phẩm "tan mỡ không rõ nguồn gốc".

Được một người bạn làm thẩm mỹ kiểm tra và giám sát, Neidert đã tự tiêm 30 đơn vị vào mặt. Ba ngày sau, cô cảm thấy vùng trán bắt đầu căng hơn. Dù biết rõ rủi ro từ sản phẩm không được kiểm soát, cô thừa nhận: "Giờ thì tôi không còn lo nhiều nữa".

Tương tự, Kelly Keene, 41 tuổi, sống ở bang North Carolina, cũng tự tiêm Innotox sau khi bị cuốn theo các video TikTok.

"Tôi không quan tâm đến rủi ro", cô nói thẳng. "Trên TikTok, mọi người ai cũng làm".

Cô dành hai tuần nghiên cứu kỹ thuật tiêm và thú nhận mình từng "rất sợ", nhưng sau vài lần, Keene nói cô hài lòng với kết quả, dù hiện vẫn chỉ dám tiêm ở vùng lông mày vì "sợ tiêm cả mặt".

Hiểm họa của trào lưu tiêm ‘Botox Hàn Quốc’ học từ TikTok- Ảnh 2.

(Ảnh minh họa: medsupplysolution)

Innotox, do công ty Medytox của Hàn Quốc sản xuất, chứa thành phần tương tự Botox truyền thống - botulinum toxin, có tác dụng làm giãn cơ, giảm nếp nhăn. Tuy nhiên, sản phẩm này chưa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép, đồng thời chỉ được bán cho các nhà phân phối y tế chính thức tại những quốc gia có phê duyệt.

Dù vậy, ngày càng nhiều người đặt mua Innotox qua các website bán hàng thứ ba, sau khi xem các video hướng dẫn trên mạng xã hội. Một số thậm chí còn chia sẻ mã khuyến mãi để bán hàng, dù không có bằng cấp chuyên môn.

Giới chuyên gia thẩm mỹ cảnh báo rằng việc tiêm chất độc thần kinh vào mặt không hề đơn giản như "vẽ theo số" như các video TikTok mô tả.

Molly O'Rourke - y tá chuyên tiêm thẩm mỹ tại bang Maine - lo ngại: "Tôi đã thấy có người hướng dẫn tiêm gần tuyến giáp hoặc cơ hỗ trợ hô hấp. Nếu tiêm sai, có thể ảnh hưởng đến cả khả năng thở".

Lo sợ đến mức, chính O'Rourke đã phải đăng video cảnh báo: "Làm ơn đừng tiêm những sản phẩm Botox giả mua trên mạng. Hãy để việc này cho người có chuyên môn".

Nguy cơ từ một loại độc tố không thể xem thường

Botulinum toxin - thành phần chính của Botox và Innotox - vốn là chất độc mạnh, nếu sử dụng sai cách có thể gây tê liệt cơ mặt, thậm chí suy hô hấp dẫn đến tử vong.

Tiến sĩ Michelle Henry, bác sĩ da liễu tại New York, cảnh báo: "Tôi từng điều trị cho những bệnh nhân tiêm filler mua online và bị nhiễm trùng, nổi u cục. Đây không phải trò đùa".

Henry nói thêm: "Khi tôi tiêm cho bệnh nhân, tôi tính đến tiền sử bệnh, dị ứng, thuốc đang dùng, tư thế nằm và góc kim tiêm. Đó là kỹ năng đòi hỏi hàng chục năm học tập và thực hành".

Không chỉ bác sĩ, ngay cả những chuyên viên thẩm mỹ có kinh nghiệm cũng không dám tự tiêm vào mặt mình bởi rủi ro luôn rình rập.

O'Rourke cho biết một số người tự tiêm ban đầu thấy ổn, nhưng vài ngày sau mới phát hiện cơ mặt bị lệch, mắt không mở được. Khi đó, không phải ai cũng biết cách xử lý hay tìm bác sĩ kịp thời.

Hiểm họa của trào lưu tiêm ‘Botox Hàn Quốc’ học từ TikTok- Ảnh 3.

(Ảnh minh họa: Medytox)

Ngoài ra, sản phẩm không rõ nguồn gốc còn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn, lưu trữ sai cách hoặc chứa thành phần giả mạo.

Tiến sĩ Henry cũng cảnh báo: "Bạn có thể tiết kiệm vài trăm USD, nhưng khi xảy ra biến chứng, chi phí điều trị sẽ gấp đôi, chưa kể bạn có thể phải sống 10 tháng với gương mặt biến dạng".

Cả Meta (công ty mẹ Instagram) và TikTok đã xóa hàng loạt nội dung quảng bá Innotox vì vi phạm chính sách cộng đồng. Còn FDA khẳng định đang theo dõi hoạt động buôn bán trái phép các sản phẩm chứa botulinum toxin và sẵn sàng hành động.

Theo các chuyên gia, trào lưu tiêm Innotox tại nhà phản ánh xu hướng làm đẹp thiếu kiểm soát trong thời đại mạng xã hội. Với tâm lý "thấy người khác làm được, mình cũng làm được", nhiều người đang đánh cược sức khỏe bản thân để chạy theo tiêu chuẩn sắc đẹp nhanh và rẻ.