MB88
VT88

Người đàn ông vay ngân hàng 730 triệu đồng rồi cho bạn vay lại với lãi 2%, 1 năm sau con nợ quỵt tiền: Tòa phán "anh mới là người sai"

Người đàn ông Trung Quốc vay ngân hàng 1 số tiền lớn, rồi lại đem cho bạn thân vay để lấy lãi. Không ngờ, người bạn lại quỵt nợ, không trả cả lãi lẫn gốc.

Trong cuộc sống, không ít người vì tình nghĩa bạn bè mà bất chấp vay ngân hàng rồi cho bạn mượn lại. Nhưng nếu người mượn không trả nợ, bên cho vay không chỉ đối mặt áp lực tài chính mà còn tiềm ẩn rủi ro pháp lý.

Mới đây, một vụ kiện dân sự xảy ra tại huyện Toàn Nam, tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) đã khiến dư luận chú ý khi tòa án tuyên hợp đồng vay vô hiệu vì hành vi vay ngân hàng rồi cho vay lại trái quy định.

Vay tiền ngân hàng cho bạn mượn

Theo thông tin từ Tòa án Nhân dân huyện Toàn Nam, tỉnh Giang Tây, ngày 16/3/2023, ông Lữ đã vay của ông Trương 50.000 NDT (khoảng 182 triệu đồng). Đến ngày 14/4, ông Lữ tiếp tục vay thêm 150.000 NDT (hơn 546 triệu đồng). Tổng cộng cả gốc và lãi, số tiền ông Lữ vay của ông Trương là 200.000 NDT (hơn 728 triệu đồng).

Người đàn ông vay ngân hàng 730 triệu đồng rồi cho bạn vay lại với lãi 2%, 1 năm sau con nợ quỵt tiền: Tòa phán

Đáng chú ý, toàn bộ số tiền trên đều do ông Trương đứng tên vay ngân hàng rồi cho ông Lữ vay lại. Hai bên ký kết hợp đồng vay tiền với thỏa thuận mức lãi suất hàng tháng là 2%. Từ tháng 5/2023 đến tháng 4/2024, mỗi tháng ông Lữ đều trả cho ông Trương 4.000 NDT (hơn 14,5 triệu đồng) tiền lãi.

Tuy nhiên, sau tháng 4/2024, dù nhiều lần bị ông Trương thúc giục, ông Lữ không tiếp tục trả nợ. Không còn cách nào khác, ông Trương đành đưa vụ việc ra tòa án nhờ can thiệp. Qua quá trình xét xử, tòa nhận định đây là hành vi sử dụng vốn vay ngân hàng sai mục đích, vi phạm quy định quản lý tín dụng.

Tòa án cho rằng, việc ông Trương vay vốn từ tổ chức tài chính rồi cho người khác vay lại là hành vi chiếm dụng vốn tín dụng, gây rối loạn trật tự tài chính quốc gia. Theo đó, hợp đồng vay tiền giữa hai người vô hiệu, kéo theo thỏa thuận về lãi suất cũng không có hiệu lực pháp lý. Dù vậy, xét thấy ông Lữ đã thực tế sử dụng số tiền vay, khiến ông Trương chịu thiệt hại tài chính, tòa quyết định buộc ông Lữ phải hoàn trả số tiền gốc và bồi thường tổn thất theo mức lãi suất cơ bản một năm tại thời điểm nhận tiền.

Số tiền lãi mà ông Lữ đã trả vượt quá khoản tổn thất này sẽ được khấu trừ vào tiền gốc. Sau khi tính toán, tòa tuyên ông Lữ phải trả lại cho ông Trương 153.687,27 NDT (gần 560 triệu đồng) và bồi thường tổn thất tương ứng.

Những rủi ro tiềm ẩn

Theo phân tích của đại diện Tòa án, hoạt động vay mượn dân sự hiện nay diễn ra phổ biến nhờ tính linh hoạt, thủ tục đơn giản. Tuy nhiên, nhiều người vì nghĩa khí hoặc muốn giúp bạn bè mà bất chấp khả năng tài chính của bản thân, đi vay ngân hàng rồi cho người khác vay lại. Hành động này không chỉ làm ảnh hưởng đến trật tự tài chính mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý nghiêm trọng. 

Người đàn ông vay ngân hàng 730 triệu đồng rồi cho bạn vay lại với lãi 2%, 1 năm sau con nợ quỵt tiền: Tòa phán

Về mặt dân sự, người vay ngân hàng rồi cho vay lại có thể bị ngân hàng truy cứu trách nhiệm do vi phạm mục đích sử dụng vốn đã thỏa thuận. Ngân hàng hoàn toàn có quyền thu hồi khoản vay trước hạn, tính thêm phí phạt và buộc người vay gánh chịu hậu quả pháp lý. Ngoài ra, theo quy định của Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc, hợp đồng vay kiểu này vô hiệu, đồng nghĩa với việc thỏa thuận về lãi suất cũng không được pháp luật bảo vệ.

Trong trường hợp cả hai bên cùng có lỗi, bên cho vay vẫn có quyền yêu cầu bên vay bồi thường khoản tổn thất thực tế như chi phí vốn. Song nếu người vay không trả được, bên cho vay vẫn phải tiếp tục trả nợ ngân hàng, dẫn đến áp lực tài chính rất lớn.

Về mặt hình sự, hành vi vay vốn tín dụng của tổ chức tài chính rồi cho vay lại với mục đích kiếm lời có thể cấu thành tội “Cho vay nặng lãi từ vốn tín dụng tổ chức tài chính”. Theo Điều 175 Bộ luật Hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tù dưới 3 năm hoặc giam giữ, đồng thời bị phạt tiền gấp 1 đến 5 lần khoản lợi bất chính. Trường hợp số tiền đặc biệt lớn, mức án có thể từ 3 đến 7 năm tù.

Vì vậy, tòa khuyến cáo người dân khi cho vay nên sử dụng tiền thuộc sở hữu hợp pháp của mình, tuyệt đối không vay ngân hàng rồi cho vay lại. Người đi vay cũng cần kiểm tra kỹ nguồn tiền của bên cho vay để tránh những tranh chấp pháp lý không đáng có.

Theo The Papper